TRUNG QUỐC – Mẫu ba lô mới giúp giảm tác động lên người đeo, đồng thời tạo ra điện để cung cấp cho đèn LED hoặc thiết bị khác.
Các chuyên gia tại Đại học Thanh Hoa phát triển mẫu ba lô trang bị bộ giảm xóc giúp người đeo cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đồng thời có thể tạo ra điện cung cấp, New Scientist hôm 4/2 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí ACS Nano.
Ba lô được treo bằng các thanh trượt, có thể chuyển động lên xuống nhờ một cặp dây cao su của hệ thống ròng rọc. Hệ thống này hoạt động tương tự hệ thống treo của ôtô, giúp giảm tác động của ba lô lên người đeo khi đi bộ. Điều này làm giảm khoảng 21% lực tác động sinh ra khi đồ vật đựng trong ba lô xóc nảy.
“Khi chúng ta đi bộ, khối tâm của cơ thể dịch chuyển lên xuống”, chuyên gia Jia Cheng tại Đại học Thanh Hoa, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Ba lô thông thường sẽ di chuyển cùng khối tâm, nhưng hệ thống ròng rọc của mẫu ba lô mới triệt tiêu chuyển động này. Sau đó, sự dịch chuyển tương đối giữa ba lô với cơ thể người làm chạy máy phát điện ma sát nano (TENG), biến cơ năng thành điện.
Khi người dùng đeo ba lô trên vai và đi bộ, TENG có thể biến 14% chuyển động của ba lô thành điện năng, tạo ra khoảng 118 microjoule (μJ). Trong nghiên cứu, các chuyên gia dùng lượng điện này để làm sáng đèn LED, đèn huỳnh quang hoặc đồng hồ điện tử.
“Đây là nghiên cứu thú vị về thiết bị điện tử và là một bước tiến của thiết bị điện tử xanh”, Chan Hwang See, chuyên gia tại Đại học Edinburgh Napier, nhận xét. Ông hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ tăng tính hiệu quả năng lượng cho TENG, giúp nó trở nên nhẹ hơn. Phiên bản hiện tại nặng tới 3 kg nên rất khó để sử dụng rộng rãi.
Cheng cũng đồng ý với mục tiêu này. “Bản thử nghiệm vẫn hơi nặng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ giảm được trọng lượng và giúp nó trở nên thiết thực hơn trong tương lai, đồng thời tăng tính hiệu quả năng lượng”, ông nói. Cheng hy vọng phiên bản tiếp theo sẽ chỉ còn 1 kg.
Thu Thảo (Theo New Scientist)